QUY TẮC BẢO HIỂM SỨC KHỎE BẢO AN GIA ĐÌNH VIỆT NEW (Ban hành kèm theo Quyết định số 5988/QĐ-BHBV ngày 26/06/2025 của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt)
CHƯƠNG I. QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Giải thích từ ngữ
- Bảo hiểm Bảo Việt: Là Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Bảo hiểm Bảo Việt có các quyền và nghĩa vụ được nêu trong Hợp đồng bảo hiểm và bị ràng buộc bởi các điều khoản của Hợp đồng bảo hiểm.
- Bên mua bảo hiểm: Là tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, hoặc cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên tại thời điểm giao kết Hợp đồng bảo hiểm và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, giao kết Hợp đồng bảo hiểm với Bảo hiểm Bảo Việt và đóng Phí bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện để mua bảo hiểm theo quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm phải có quyền lợi có thể được bảo hiểm với Người được bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
- Người được bảo hiểm: Là người có tính mạng, sức khỏe được bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm.
- Người thụ hưởng: Là cá nhân, hoặc tổ chức được Bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại Hợp đồng bảo hiểm cá nhân, hoặc Người được bảo hiểm trong Hợp đồng bảo hiểm nhóm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại Hợp đồng bảo hiểm nhóm. Trường hợp Bên mua bảo hiểm không đồng thời là Người được bảo hiểm, Bên mua bảo hiểm phải có sự đồng ý bằng văn bản của Người được bảo hiểm khi chỉ định Người thụ hưởng; trường hợp Người được bảo hiểm chưa thành niên thì việc chỉ định Người thụ hưởng phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
- Hợp đồng bảo hiểm: Là sự thỏa thuận giữa Bảo hiểm Bảo Việt và Bên mua bảo hiểm, theo đó Bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, Bảo hiểm Bảo Việt phải chi trả quyền lợi bảo hiểm cho Người được bảo hiểm hoặc Người thụ hưởng (trong trường hợp có chỉ định Người thụ hưởng) theo thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm.
- Thời điểm có hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm (ngày hiệu lực): Là thời điểm Hợp đồng bảo hiểm được giao kết giữa Bảo hiểm Bảo Việt và Bên mua bảo hiểm.
- Thời hạn bảo hiểm: Thời hạn bảo hiểm tối đa là 1 năm tính từ thời điểm Bảo hiểm Bảo Việt bắt đầu nhận bảo hiểm (thời điểm bắt đầu nhận bảo hiểm/ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm) đến khi kết thúc bảo hiểm (thời điểm kết thúc bảo hiểm/ngày kết thúc thời hạn bảo hiểm) và được ghi cụ thể trên Hợp đồng bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể yêu cầu gia hạn bảo hiểm tối đa 4 lần, mỗi lần 1 năm. Bảo hiểm Bảo Việt xem xét và được thể hiện trên Hợp đồng bảo hiểm. Trong thời gian gia hạn bảo hiểm, các điều kiện, điều khoản và phí bảo hiểm không thay đổi. Sau khi kết thúc thời gian gia hạn tối đa, nếu Bên mua bảo hiểm tiếp tục tham gia bảo hiểm, Bên mua bảo hiểm sẽ phải yêu cầu ký Hợp đồng bảo hiểm mới.
- Ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm:
- Đối với trường hợp tham gia mới: ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm là ngày kế tiếp ngày khách hàng nộp đủ phí bảo hiểm và nhận được xác nhận từ hệ thống của Bảo hiểm Bảo Việt, và được ghi trên Hợp đồng bảo hiểm.
- Đối với trường hợp tham gia tái tục sau khi kết thúc Hợp đồng hiện tại: ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn của Hợp đồng hiện tại với điều kiện khách hàng nhận được xác nhận từ hệ thống của Bảo hiểm Bảo Việt, và được ghi trên Hợp đồng bảo hiểm mới.
- Ngày kết thúc thời hạn bảo hiểm: Là ngày có hiệu lực cuối cùng của Hợp đồng bảo hiểm và được ghi trên Hợp đồng bảo hiểm.
- Năm hợp đồng: Là khoảng thời gian một năm kể từ ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm hay bất kỳ năm liên tục tiếp theo nào tính từ Ngày kỷ niệm hợp đồng. Giới hạn theo năm trong bộ Hợp đồng bảo hiểm được hiểu là Năm hợp đồng.
- Ngày kỷ niệm hợp đồng: Là ngày tương ứng trong năm của ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm trong thời hạn gia hạn bảo hiểm, hoặc ngày cuối cùng của tháng tương ứng nếu năm đó không có ngày tương ứng.
- Tái tục bảo hiểm: Là việc Hợp đồng bảo hiểm được tái tục vào ngày hoặc trước ngày kết thúc thời hạn bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm hiện tại (hoặc thời điểm được Bảo hiểm Bảo Việt chấp nhận) với Số tiền bảo hiểm tương đương hoặc thấp hơn. Việc xác định tái tục được dựa trên bằng chứng và việc nộp phí của Bên mua bảo hiểm và được Bảo hiểm Bảo Việt xác nhận.
- Số tiền bảo hiểm: Là hạn mức trách nhiệm tối đa của Bảo hiểm Bảo Việt đối với Người được bảo hiểm theo từng quyền lợi bảo hiểm trong Năm hợp đồng và được quy định trong Hợp đồng bảo hiểm.
- Tuổi của Người được bảo hiểm: Là tuổi tính theo ngày sinh nhật gần nhất với Ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm hoặc với Ngày kỷ niệm hợp đồng trong năm.
- Thời gian chờ: Là khoảng thời gian mà sự kiện bảo hiểm xảy ra sẽ không được Bảo hiểm Bảo Việt chi trả đối với một số quyền lợi bảo hiểm, bao gồm cả những trường hợp quá trình điều trị kéo dài, thời điểm bắt đầu điều trị trong thời gian chờ nhưng thời điểm kết thúc của đợt điều trị này nằm ngoài thời gian chờ quy định. Thời gian chờ được tính kể từ Ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm. Đối với các Hợp đồng bảo hiểm tái tục, thời gian chờ được tính từ Ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm năm đầu tiên.
- Cơ sở y tế: Là một cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp được nhà nước công nhận, có Giấy phép điều trị nội trú, ngoại trú, không phải là nơi để an dưỡng phục hồi sức khỏe hoặc là nơi đặc biệt nhằm mục đích duy nhất phục vụ cho người già, dưỡng lão; nuôi dưỡng người tàn tật, không nơi nương tựa, lang thang cơ nhỡ; hoặc giúp đỡ cai nghiện rượu, thuốc phiện, ma túy, các chất kích thích; hoặc để điều trị rối loạn tâm thần, điều trị bệnh phong; hoặc nơi điều trị suối khoáng, xông hơi, massage.
- Bệnh viện: Là một cơ sở khám, chữa bệnh được thành lập và hoạt động hợp pháp. Cơ sở khám, chữa bệnh đó phải được cấp phép là Bệnh viện hoặc Viện theo quy định của pháp luật và đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
- Có khả năng và phương tiện chẩn đoán, điều trị và phẫu thuật;
- Có điều kiện thuận lợi cho việc điều trị nội trú, ngoại trú và có hệ thống theo dõi sức khoẻ hàng ngày cho mỗi bệnh nhân của mình;
- Không phải là nơi để an dưỡng phục hồi sức khỏe hoặc là nơi đặc biệt nhằm mục đích duy nhất phục vụ cho người già, dưỡng lão; nuôi dưỡng người tàn tật, không nơi nương tựa, lang thang cơ nhỡ; hoặc giúp đỡ cai nghiện rượu, thuốc phiện, ma túy, các chất kích thích; hoặc để điều trị rối loạn tâm thần, điều trị bệnh phong; hoặc nơi điều trị suối khoáng, xông hơi, massage. Theo Quy tắc bảo hiểm này, Bệnh viện bao gồm Trung tâm y tế huyện/khu vực có chức năng khám bệnh, chữa bệnh ở những địa phương chưa có bệnh viện huyện/khu vực; đồng thời không bao gồm: Trung tâm y tế dự phòng, Trung tâm y tế huyện/khu vực (ở địa phương đã có bệnh viện huyện/khu vực), Trung tâm y tế quận – dân y, Bệnh xá, Đội điều trị, Trạm y tế, Phòng y tế, Trạm xá, Nhà hộ sinh, Phòng khám.
- Phân nhóm bệnh viện: Theo Quy tắc bảo hiểm này, các Bệnh viện được phân nhóm như sau:
- Nhóm 1: gồm các Bệnh viện thuộc tuyến Trung ương, Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương.
- Nhóm 2: gồm các Bệnh viện thuộc tuyến Huyện, Quận, Thị xã, Thành phố trực thuộc Tỉnh và tương đương; các Bệnh viện ngoài công lập.
- Nhóm 3: gồm các Bệnh viện Đông y, Y học cổ truyền; các khoa khám chữa bệnh Đông y, Y học cổ truyền tại các Bệnh viện.
- Bác sĩ: Là người được phép hành nghề hợp pháp, được luật pháp nước sở tại công nhận, và đang điều trị, hành nghề trong phạm vi chuyên ngành đào tạo của mình. Một Bác sĩ có thể là một Bác sĩ chuyên khoa hay cố vấn y tế. Định nghĩa về Bác sĩ không bao gồm những người sau đây:
- Bên mua bảo hiểm, Người được bảo hiểm, hoặc Người thụ hưởng;
- Đối tác kinh doanh của Bên mua bảo hiểm hoặc Người được bảo hiểm;
- Đại lý bảo hiểm, chủ sử dụng lao động, hoặc nhân viên của Bên mua bảo hiểm hoặc Người được bảo hiểm;
- Thành viên gia đình trực hệ của Người được bảo hiểm hoặc Bên mua bảo hiểm (ông, bà, bố, mẹ, bố mẹ vợ, bố mẹ chồng, vợ, chồng, con, anh chị em ruột).
- Nằm viện (điều trị nội trú): Là việc Người được bảo hiểm phải nhập viện theo chỉ định của Bác sĩ và lưu trú ít nhất 24 giờ liên tục ở trong bệnh viện để điều trị thương tật, ốm đau, bệnh tật, thai sản thuộc phạm vi bảo hiểm. Người được bảo hiểm phải lưu trú liên tục tại Bệnh viện trong suốt thời gian điều trị theo đúng chỉ định của Bác sĩ điều trị và quy định điều trị nội trú của Bộ Y tế. Trường hợp Người được bảo hiểm nằm trú tại bệnh viện để thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, nội soi và các thủ thuật chỉ nhằm mục đích chẩn đoán bệnh mà không thực hiện điều trị thì không được coi là nằm viện. Việc nằm viện chỉ được chấp nhận khi bệnh nhân thực hiện điều trị tại một Bệnh viện như định nghĩa.
- Phẫu thuật: Là phương pháp khoa học để điều trị thương tật, ốm đau, bệnh tật, thai sản thuộc phạm vi bảo hiểm, được thực hiện bởi những Bác sĩ có chuyên môn phù hợp thông qua những ca mổ trong phòng phẫu thuật với các dụng cụ y tế hoặc trang thiết bị y tế tại Bệnh viện, bao gồm nhưng không giới hạn mổ phanh, mổ nội soi, mổ bằng tia laser. Theo quy tắc bảo hiểm này, phẫu thuật bao gồm thủ thuật điều trị.
- Phục hồi chức năng: Là phương pháp điều trị nhằm mục đích khôi phục lại tình trạng bình thường và/hoặc chức năng sinh lý sau tổn thương hoặc do bệnh. Theo Quy tắc bảo hiểm này, phục hồi chức năng bao gồm những phương pháp được liệt kê theo danh sách đính kèm Thông tư 50/2014/TT-BYT ngày 26/12/2014 của Bộ Y tế và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có); hoặc điều trị tại các Bệnh viện phục hồi chức năng hoặc chuyên khoa phục hồi chức năng tại các Bệnh viện.
- Tai nạn: Là bất kỳ sự kiện hoặc chuỗi sự kiện bất ngờ hay không lường trước, gây ra bởi một vật chất hoặc một lực từ bên ngoài và hữu hình ngoài sự kiểm soát của Người được bảo hiểm, xảy ra trong thời hạn bảo hiểm, là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất dẫn đến thương tật thân thể hoặc tử vong cho Người được bảo hiểm, loại trừ bất kỳ quá trình nào xảy ra do bệnh tật, tuổi tác hay sự thoái hóa.
- Ốm đau, bệnh tật: Là tình trạng cơ thể có dấu hiệu của một bệnh lý khác với tình trạng sức khỏe bình thường cần thiết phải điều trị.
- Bệnh hoặc thương tật có sẵn: Là tình trạng bệnh tật hoặc thương tật của Người được bảo hiểm đã được xác xác chẩn đoán hoặc điều trị trước ngày hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm; hoặc các dấu hiệu, triệu chứng bệnh/thương tật đã khởi phát trong vòng 36 tháng trước ngày hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm mà nếu biết được các dấu hiệu, triệu chứng này Bảo hiểm Bảo Việt không chấp nhận bảo hiểm hoặc chấp nhận bảo hiểm có điều kiện. Việc xác định bệnh có sẵn phải căn cứ vào hồ sơ y tế được lưu trữ tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế được thành lập hợp pháp, các tài liệu y khoa thuộc Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc các thông tin do Bên mua bảo hiểm, Người được bảo hiểm tự kê khai trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm hoặc giấy yêu cầu bảo hiểm bổ sung.
- Bệnh đặc biệt loại I: Là những bệnh u hoặc bướu (trừ ung thư), huyết áp (trừ cao hoặc tăng huyết áp), viêm màng não, viêm não, viêm tủy, viêm não tủy, bệnh hoặc hội chứng Parkinson, bệnh Alzheimer hoặc sa sút trí tuệ trầm trọng, Hội chứng Apallic hoặc Hội chứng mất trí nhớ, bại não, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, suy hô hấp, tai biến mạch máu não (đột quỵ), các bệnh mạch máu não khác, xơ vữa động mạch, viêm gan các loại, xơ gan, suy gan, viêm tụy, rối loạn đông máu, suy tủy xương, bệnh Lupus ban đỏ, bệnh Pemphigus.
- Bệnh đặc biệt loại II: Là những bệnh tim, cao hoặc tăng huyết áp, sỏi, suy thận, ung thư, tiểu đường (đái tháo đường).
- Bệnh di truyền: Là bất kỳ bệnh nào xuất hiện ở những người có cùng huyết thống hay sự chuyển nhượng bệnh tật từ bố, mẹ cho con cái thông qua gen của bố, mẹ và/hoặc được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác trong những người có cùng huyết thống bao gồm cả di truyền đột biến gen lặn.
- Bệnh bẩm sinh, dị tật bẩm sinh: Là bất kỳ bệnh, bất thường cấu trúc hoặc chức năng (bao gồm cả bất thường chuyển hóa) hoặc dị tật nào được hình thành trên thai nhi trong quá trình mang thai của người mẹ, có thể được phát hiện trước, trong hoặc sau khi sinh. Bệnh bẩm sinh, dị tật bẩm sinh có thể được cơ quan y tế mô tả dưới nhiều tên gọi khác nhau như bệnh bẩm sinh, dị tật bẩm sinh, khuyết tật bẩm sinh, dị dạng về gen, bất thường của nhiễm sắc thể, bất thường bẩm sinh, dị tật bào thai.
- Biến chứng thai sản: Là tình trạng bất thường của bào thai, biến chứng do nguyên nhân tai nạn hoặc bệnh lý phát sinh trong quá trình mang thai hoặc sinh con của Người được bảo hiểm phải điều trị theo chỉ định của Bác sĩ. Theo Quy tắc bảo hiểm này, biến chứng thai sản thuộc phạm vi bảo hiểm chỉ bao gồm các trường hợp sau:
- Sảy thai hoặc thai nhi chết trong tử cung (thai lưu);
- Mang thai trứng nước;
- Thai ngoài tử cung;
- Phá thai do điều trị, bao gồm các trường hợp phá thai do các bệnh lý, di truyền hoặc dị tật bẩm sinh của thai nhi hoặc phải phá thai để bảo vệ tính mạng của người mẹ;
- Nhiễm trùng hậu sản, sản giật, băng huyết sau khi sinh, sót nhau thai trong tử cung sau khi sinh, thuyên tắc ối, vỡ tử cung;
- Dọa sinh non đối với thai từ tuần thứ 22 đến tuần thứ 35 của thai kỳ;
- Biến chứng của các nguyên nhân trên.
- Sinh con: Theo Quy tắc bảo hiểm này, sinh con thuộc phạm vi bảo hiểm chỉ bao gồm các trường hợp sau: Sinh thường, sinh mổ (mổ lấy thai), sinh khó bằng các can thiệp chuyên môn, sinh non. Quyền lợi sinh con được chi trả khi Người được bảo hiểm nằm viện điều trị nội trú hoặc phẫu thuật tại Bệnh viện như định nghĩa.
- Phương pháp hỗ trợ sinh sản: Là việc sử dụng kỹ thuật y khoa để tăng số lượng trứng trong quá trình rụng trứng hoặc để hỗ trợ thụ tinh giữa tinh trùng và trứng, làm tăng khả năng thụ thai. Hình thức này bao gồm nhưng không giới hạn ở phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tiêm tinh trùng trực tiếp vào noãn để tạo phôi (ICSI) và sử dụng bất kỳ hình thức điều trị nào để thúc đẩy hoặc kích thích sự rụng trứng.
- Nhóm khách hàng tham gia bảo hiểm: Là tập hợp những khách hàng tham gia theo Hợp đồng bảo hiểm cá nhân có chung tổ chức hoặc tham gia bảo hiểm qua cùng trung gian bảo hiểm hoặc tham gia giống nhau về quyền lợi bảo hiểm, có rủi ro được bảo hiểm tương đồng.
Điều 2. Phạm vi địa lý được bảo hiểm Phạm vi địa lý được bảo hiểm theo Quy tắc bảo hiểm này là lãnh thổ Việt Nam, bao gồm trường hợp Người được bảo hiểm bị tai nạn xảy ra trong lãnh thổ Việt Nam sau đó Người được bảo hiểm điều trị và/hoặc bị tử vong do hậu quả của tai nạn này ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Điều 3. Đối tượng tham gia bảo hiểm Bảo hiểm Bảo Việt nhận bảo hiểm cho mọi công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam, có độ tuổi từ 0 đến 65 tuổi tại thời điểm bắt đầu nhận bảo hiểm nhưng không quá 70 tuổi khi thời hạn bảo hiểm của Hợp đồng kết thúc. Đối tượng không được tham gia bảo hiểm gồm:
- Những người đang bị bệnh (hội chứng) tâm thần, động kinh, tự kỷ, phong;
- Những người bị bệnh ung thư;
- Những người bị tàn phế, tàn tật, khuyết tật hoặc thương tật vĩnh viễn từ 50% trở lên;
- Những người đang trong thời gian điều trị bệnh tật, thương tật;
- Những người đang trong thời gian bị tạm giam, bị giữ, tạm giữ hoặc khởi tố bị can;
- Những người nghiện rượu, ma túy hoặc các chất kích thích khác.
CHƯƠNG II. PHẠM VI BẢO HIỂM VÀ QUYỀN LỢI ĐIỀU KIỆN BẢO HIỂM CHÍNH
Điều 4. Điều kiện bảo hiểm A – Tử vong không phải do nguyên nhân tai nạn
- Phạm vi bảo hiểm: Bảo hiểm trong trường hợp Người được bảo hiểm tử vong không phải do nguyên nhân tai nạn trừ các điều khoản loại trừ được quy định tại Chương IV của Quy tắc bảo hiểm này.
- Quyền lợi bảo hiểm: Trường hợp Người được bảo hiểm tử vong thuộc phạm vi bảo hiểm, Bảo hiểm Bảo Việt trả toàn bộ Số tiền bảo hiểm ghi trên Hợp đồng bảo hiểm.
Điều 5. Điều kiện bảo hiểm B – Tử vong hoặc thương tật thân thể do tai nạn
- Phạm vi bảo hiểm: Bảo hiểm trong trường hợp Người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật thân thể do tai nạn trừ các điều khoản loại trừ được quy định tại Chương IV của Quy tắc bảo hiểm này.
- Quyền lợi bảo hiểm: 2.1. Trường hợp Người được bảo hiểm tử vong thuộc phạm vi bảo hiểm, Bảo hiểm Bảo Việt trả toàn bộ Số tiền bảo hiểm trên Hợp đồng bảo hiểm. 2.2. Trường hợp Người được bảo hiểm bị thương tật thân thể do tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm phải điều trị tại các Cơ sở y tế như định nghĩa, Bảo hiểm Bảo Việt trả trợ cấp theo tỷ lệ thương tật trong Bảng được quy định trong Bảng tỷ lệ trả tiền thương tật do tai nạn quy định tại Phụ lục I đính kèm Quy tắc bảo hiểm này. 2.3. Trường hợp Người được bảo hiểm bị tai nạn dẫn đến thương tật đã được trả tiền bảo hiểm, trong vòng 1 năm kể từ ngày xảy ra tai nạn đó, nếu Người được bảo hiểm tử vong do hậu quả của tai nạn đó thì Bảo hiểm Bảo Việt sẽ trả phần chênh lệch giữa Số tiền bảo hiểm được quy định trên Hợp đồng bảo hiểm với số tiền đã trả trước đó.
Điều 6. Điều kiện bảo hiểm C – Ốm đau, bệnh tật, biến chứng thai sản phải nằm viện điều trị nội trú hoặc phẫu thuật
- Phạm vi bảo hiểm: Bảo hiểm trong trường hợp Người được bảo hiểm ốm đau, bệnh tật, biến chứng thai sản phải nằm viện điều trị nội trú hoặc phải phẫu thuật tại những Bệnh viện như định nghĩa trừ các điều khoản loại trừ được quy định tại Chương IV của Quy tắc bảo hiểm này.
- Quyền lợi bảo hiểm: 2.1. Trường hợp Người được bảo hiểm ốm đau, bệnh tật, biến chứng thai sản thuộc phạm vi bảo hiểm phải nằm viện (bao gồm trường hợp ngộ độc thức ăn, đồ uống, hít phải khí độc, khí gas, hơi độc, chất độc): Bảo hiểm Bảo Việt chi trả theo giới hạn Trợ cấp nằm viện/ngày được quy định tại Hợp đồng bảo hiểm. Giới hạn tổng số ngày nằm viện được hưởng trợ cấp thuộc phạm vi bảo hiểm sẽ được áp dụng như sau:
- 2.1.1. Đối với bệnh đặc biệt (bao gồm loại I và loại II như định nghĩa tại Điều 1): 30 ngày/năm hợp đồng.
- 2.1.2. Đối với tất cả các bệnh (bao gồm cả bệnh đặc biệt và bệnh có sẵn như định nghĩa tại Điều 1): 60 ngày/năm hợp đồng. Trong mọi trường hợp tổng số ngày nằm viện được hưởng trợ cấp thuộc phạm vi bảo hiểm không vượt quá 60 ngày/năm hợp đồng. 2.2. Trường hợp Người được bảo hiểm phải phẫu thuật thuộc phạm vi bảo hiểm: Bảo hiểm Bảo Việt trả tiền trợ cấp một ca phẫu thuật/bệnh theo tỷ lệ phẫu thuật tương ứng được quy định tại Bảng tỷ lệ trả tiền phẫu thuật do bệnh tật, thai sản quy định tại Phụ lục II đính kèm Quy tắc bảo hiểm này và không giới hạn số bệnh/năm hợp đồng. Trường hợp Người được bảo hiểm điều trị nhiều bệnh trong cùng một đợt điều trị: Trong số các bệnh điều trị có bệnh thuộc phạm vi bảo hiểm và bệnh không thuộc phạm vi bảo hiểm, Bảo hiểm Bảo Việt sẽ chi trả trợ cấp số ngày nằm viện thuộc phạm vi bảo hiểm theo công thức như sau: Số ngày trợ cấp thuộc phạm vi bảo hiểm = Tổng số ngày nằm viện thực tế nằm (x) Số bệnh thuộc phạm vi bảo hiểm chia (/) Tổng số bệnh điều trị. Nguyên tắc làm tròn: làm tròn lên nếu chữ số sau số đơn vị lớn hơn hoặc bằng 5, làm tròn xuống nếu chữ số sau số đơn vị nhỏ hơn 5. Trong số các bệnh điều trị thuộc phạm vi bảo hiểm có bệnh đặc biệt loại I và/hoặc bệnh đặc biệt loại II, Bảo hiểm Bảo Việt giải quyết quyền lợi bảo hiểm theo quy định của Quy tắc bảo hiểm và tính toán số ngày chữa vào giới hạn số ngày nằm viện của Bệnh đặc biệt.
CHƯƠNG III. PHẠM VI BẢO HIỂM VÀ QUYỀN LỢI ĐIỀU KIỆN BẢO HIỂM BỔ SUNG
Điều 7. Sinh con
- Điều kiện bảo hiểm Sinh con chỉ được áp dụng khi Người được bảo hiểm tham gia các điều kiện bảo hiểm chính, được ghi trong Bảng quyền lợi bảo hiểm đính kèm Hợp đồng và Người được bảo hiểm đã đóng phí bảo hiểm bổ sung.
- Số tiền bảo hiểm của Điều kiện bảo hiểm bổ sung Sinh con không cao hơn số tiền bảo hiểm của điều kiện bảo hiểm chính.
- Chỉ áp dụng cho phụ nữ có độ tuổi từ 18 đến 45.
- Phạm vi bảo hiểm: Bảo hiểm trong trường hợp Người được bảo hiểm sinh con phải nằm viện điều trị nội trú hoặc phải phẫu thuật tại bệnh viện như định nghĩa trừ các điều khoản loại trừ được quy định tại Chương IV của Quy tắc bảo hiểm này.
- Quyền lợi bảo hiểm: 2.1. Trường hợp Người được bảo hiểm phải nằm viện: Bảo hiểm Bảo Việt chi trả theo giới hạn Trợ cấp nằm viện/ngày được quy định tại Hợp đồng bảo hiểm. Tổng số ngày nằm viện được trợ cấp tối đa là 60 ngày/năm hợp đồng. 2.2. Trường hợp Người được bảo hiểm phải phẫu thuật: Bảo hiểm Bảo Việt trả tiền trợ cấp theo tỷ lệ phẫu thuật tương ứng được quy định tại Bảng tỷ lệ trả tiền phẫu thuật do bệnh tật, thai sản quy định tại Phụ lục II đính kèm Quy tắc bảo hiểm này và không giới hạn số lần phẫu thuật/năm hợp đồng. Trường hợp Người được bảo hiểm sinh con sau khi thụ thai bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản như định nghĩa, Bảo hiểm Bảo Việt chỉ chi trả quyền lợi trợ cấp nằm viện/ngày (không chi trả trợ cấp theo tỷ lệ phẫu thuật).
CHƯƠNG IV. CÁC ĐIỀU KHOẢN LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM BẢO HIỂM
Điều 8. Các điều khoản loại trừ áp dụng cho tất cả các điều kiện bảo hiểm Các rủi ro, các bệnh, các hạng mục được liệt kê hoặc bắt nguồn từ các nguyên nhân dưới đây không thuộc phạm vi, trách nhiệm bảo hiểm:
- Hành động tự tử hoặc cố ý tự tử của Người được bảo hiểm; Hành vi cố ý của Bên mua bảo hiểm, Người được bảo hiểm hoặc Người thụ hưởng (trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều 40 Luật Kinh doanh bảo hiểm hoặc các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có));
- Người được bảo hiểm thực hiện hoặc tham gia thực hiện hành động trộm cắp, đánh nhau, gây rối trật tự công cộng hoặc chống cự việc bắt giữ người hợp pháp và/hoặc thực hiện các hành vi phạm tội (theo kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền);
- Người được bảo hiểm có các hành vi sau đây khi tham gia giao thông:
- a. Đua xe (hợp pháp hoặc trái phép), lạng lách, đánh võng, điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu;
- b. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy, các chất kích thích, chất gây nghiện;
- c. Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở;
- d. Điều khiển xe khi không đủ điều kiện về độ tuổi theo quy định của Pháp luật;
- e. Người điều khiển xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không hợp lệ theo quy định của pháp luật;
- f. Vận chuyển trái phép hoặc không thực hiện đầy đủ các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm; vận chuyển hàng cấm;
- g. Xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”; đi vào đường cấm, khu vực cấm;
- h. Điều khiển xe công nông, xe cơ giới quá khổ;
- i. Điều khiển các phương tiện không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hợp lệ theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Người được bảo hiểm sử dụng hoặc bị ảnh hưởng của rượu, bia, ma túy hoặc các chất có cồn, các chất kích thích, các chất gây nghiện là nguyên nhân dẫn đến tai nạn hoặc ốm đau, bệnh tật;
- Người được bảo hiểm tham gia các hoạt động hàng không (trừ khi với tư cách là hành khách), tham gia các cuộc diễn tập, huấn luyện quân sự, tham gia chiến đấu của các lực lượng vũ trang;
- Động đất, núi lửa, sóng thần, dịch bệnh hoặc tình trạng khẩn cấp y tế theo công bố của Tổ chức y tế thế giới (WHO) hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; chiến tranh, nội chiến, đình công, khủng bố, bạo động, dân biến, phiên loạn, các hoạt động quân sự hoặc hành động của bất kỳ người cầm đầu của tổ chức nào nhằm lật đổ, đe dọa chính quyền, kiểm soát bằng vũ lực;
- Người được bảo hiểm tham gia các môn thể thao chuyên nghiệp hoặc các môn thể thao nguy hiểm bao gồm đua các loại như đua xe ô tô, đua thuyền và đua ngựa, nhảy mạo hiểm, leo vách đá, leo núi tự do, leo núi có hoặc không có dây leo, đi bộ leo núi với độ cao trên 2.500 mét, võ thuật, đua trượt trên mặt nước và trượt tuyết, bao gồm sử dụng các loại mô tô, trượt băng, đấm bốc, nhảy dù (trừ mục đích thoát hiểm), lên xuống hoặc di chuyển bằng khinh khí cầu, du lượn, nhảy bungee, vượt thác, khám phá hang động, lặn với bình oxy và thiết bị thở dưới nước;
- Các hình thức thẩm mỹ, chỉnh hình, làm giả các bộ phận cơ thể; điều trị kiểm soát trọng lượng cơ thể (tăng hoặc giảm cân); suy dinh dưỡng, còi xương, béo phì;
- Phục hồi chức năng – Điểm loại trừ này không áp dụng đối với các trường hợp điều trị thương tật thân thể do tai nạn;
- Kiểm tra sức khỏe hoặc giám định y khoa, tư vấn y tế mà không liên quan đến việc điều trị ốm đau, bệnh tật, thương tật; các hình thức tiêm chủng, vắc-xin và thuốc phòng ngừa (trừ trường hợp tiêm vắc-xin sau khi bị tai nạn hay súc vật, côn trùng cắn), khám thai định kỳ;
- Những thương tật hoặc chỉ định điều trị có từ trước ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm năm đầu tiên; bệnh bẩm sinh, dị tật bẩm sinh, bệnh di truyền;
- Các bệnh lây qua đường tình dục; hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS); tình trạng và bệnh liên quan đến vi rút HIV; bệnh sốt rét, lao;
- Bệnh rối loạn tâm thần và hành vi, động kinh, các bệnh suy nhược thần kinh, khó chịu và mệt mỏi;
- Đục thủy tinh thể; các bệnh lão hóa, vôi hóa, thoái hóa các loại, gai đôi cột sống, thoát vị đĩa đệm; điều trị suy biến tự nhiên hoặc không phải là do bệnh lý của tình trạng suy giảm thính, suy giảm thị lực bao gồm nhưng không giới hạn ở các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị;
- Những bệnh đặc biệt loại I, bệnh có sẵn (như định nghĩa tại Điều 1) và các bệnh hoặc thương tật sau đây sẽ bị loại trừ trong 365 ngày đầu tiên được bảo hiểm bao gồm: Viêm VA (sùi vòm họng) cần phải nạo, viêm amidan cần phải cắt, viêm xoang, bệnh hen suyễn (bệnh suyễn, hen phế quản), viêm tai giữa cần phải phẫu thuật, bệnh viêm dạ dày, loét dạ dày, trĩ, Polyp các loại, viêm khớp, viêm đa khớp, bệnh gout, phẫu thuật gân và/hoặc dây chằng;
- Những bệnh đặc biệt loại II (như định nghĩa tại Điều 1) sẽ bị loại trừ trong 635 ngày đầu tiên được bảo hiểm;
- Thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa sinh đẻ, điều trị vô sinh; thực hiện các phương pháp hỗ trợ sinh sản; điều trị bất lực, liệt dương; điều trị khả năng sinh sản hoặc hiếm muộn; điều trị các vấn đề về giới tính, chuyển đổi giới tính và bất kỳ biến chứng nào từ những điều trị trên;
- Sinh con. Điểm loại trừ này sẽ không được áp dụng nếu Người được bảo hiểm lựa chọn tham gia điều kiện bảo hiểm bổ sung – Sinh con.
CHƯƠNG V. THỜI GIAN CHỜ
Điều 9. Thời gian chờ áp dụng với điều kiện bảo hiểm chính
- Điều kiện bảo hiểm A – Tử vong không phải do nguyên nhân tai nạn 1.1. Không áp dụng đối với trường hợp ngộ độc thức ăn, đồ uống, hít phải khí độc, khí gas, hơi độc, chất độc; 1.2. 7 ngày đối với bệnh ruột thừa; 1.3. 30 ngày đối với ốm đau, bệnh tật thông thường; 1.4. 90 ngày đối với biến chứng thai sản, sinh con như định nghĩa tại Điều 1 của Quy tắc bảo hiểm này; 1.5. 365 ngày đối với bệnh đặc biệt loại I, bệnh có sẵn như định nghĩa tại Điều 1 và các bệnh hoặc thương tật được liệt kê tại Điểm loại trừ số 15 Chương IV của Quy tắc bảo hiểm này; 1.6. 635 ngày đối với các bệnh đặc biệt loại II như định nghĩa tại Điều 1 của Quy tắc bảo hiểm này.
- Điều kiện bảo hiểm B – Tử vong hoặc thương tật thân thể do tai nạn: Không áp dụng.
- Điều kiện bảo hiểm C – Ốm đau, bệnh tật, biến chứng thai sản phải nằm viện điều trị nội trú hoặc phẫu thuật 3.1. Không áp dụng đối với ngộ độc thức ăn, đồ uống, hít phải khí độc, khí gas, hơi độc, chất độc; 3.2. 7 ngày đối với bệnh ruột thừa; 3.3. 30 ngày đối với ốm đau, bệnh tật thông thường; 3.4. 90 ngày đối với biến chứng thai sản như định nghĩa tại Điều 1 của Quy tắc bảo hiểm này; 3.5. 90 ngày đối với các bệnh viêm phế quản, tiểu phế quản, viêm phổi các loại (chỉ áp dụng cho trẻ em từ 6 tuổi trở xuống tính tại thời điểm điều trị); 3.6. 365 ngày đối với bệnh đặc biệt loại I, bệnh có sẵn như định nghĩa tại Điều 1 và các bệnh hoặc thương tật được liệt kê tại Điểm loại trừ số 15 Chương IV của Quy tắc bảo hiểm này; 3.7. 635 ngày đối với các bệnh đặc biệt loại II như định nghĩa tại Điều 1 của Quy tắc bảo hiểm này;
Điều 10. Thời gian chờ áp dụng đối với điều kiện bảo hiểm bổ sung
- 365 ngày đối với sinh con.
CHƯƠNG VI. HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM, PHÍ BẢO HIỂM VÀ SỐ TIỀN BẢO HIỂM
Điều 11. Hợp đồng bảo hiểm Bên mua bảo hiểm khi có yêu cầu tham gia bảo hiểm phải có trách nhiệm điền đầy đủ thông tin vào Giấy yêu cầu bảo hiểm (theo mẫu của Bảo hiểm Bảo Việt). Bảo hiểm Bảo Việt sẽ ký Hợp đồng bảo hiểm kèm theo danh sách Người được bảo hiểm. Bộ Hợp đồng bảo hiểm bao gồm:
- Giấy yêu cầu bảo hiểm của Bên mua bảo hiểm;
- Hợp đồng bảo hiểm do Bảo hiểm Bảo Việt phát hành;
- Quy tắc bảo hiểm này và Tài liệu tóm tắt quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
- Các Sửa đổi bổ sung, Phụ lục điều chỉnh (nếu có);
- Các giấy tờ hợp lệ khác được xác nhận hoặc chấp thuận bởi Bảo hiểm Bảo Việt.
Điều 12. Phí bảo hiểm, Thời hạn thanh toán phí, Số tiền bảo hiểm
- Phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm được quy định cụ thể tại Hợp đồng bảo hiểm và phù hợp với quy định của pháp luật. Trong mọi trường hợp, Bên mua bảo hiểm có nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng thời hạn quy định tại Hợp đồng bảo hiểm.
- Phí bảo hiểm và Số tiền bảo hiểm được ban hành kèm theo Quy tắc bảo hiểm này. Người được bảo hiểm phải tham gia tất cả các Điều kiện bảo hiểm chính với số tiền bảo hiểm bằng nhau. Điều kiện bảo hiểm bổ sung – Sinh con chỉ được tham gia khi Người được bảo hiểm đã tham gia các Điều kiện bảo hiểm chính với số tiền bảo hiểm không cao hơn Số tiền bảo hiểm Điều kiện bảo hiểm chính.
- Bảo hiểm Bảo Việt áp dụng mức phí bảo hiểm ban hành kèm theo quy tắc này. Phí bảo hiểm cho Hợp đồng bảo hiểm nhóm hoặc cho nhóm khách hàng tham gia bảo hiểm sẽ bằng tổng phí bảo hiểm của những Người được bảo hiểm trong nhóm đó.
- Số tiền bảo hiểm của các điều kiện không thay đổi trong suốt thời hạn bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm hiện tại. Số tiền bảo hiểm chỉ có thể được thay đổi vào ngày bắt đầu thời hạn bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm mới. Trường hợp tái tục với số tiền bảo hiểm cao hơn Hợp đồng bảo hiểm hiện tại phải được sự chấp thuận của Bảo hiểm Bảo Việt, phần chênh lệch về số tiền bảo hiểm sẽ không được coi là tái tục và sẽ được áp dụng thời gian chờ theo quy định của Hợp đồng bảo hiểm mới.
CHƯƠNG VII. GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI BẢO HIỂM
Điều 13. Thời hạn yêu cầu trả tiền bảo hiểm
- Trừ trường hợp có quy định khác trong Hợp đồng bảo hiểm, trong vòng 30 ngày kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm (Người được bảo hiểm tử vong, nằm viện, phẫu thuật, tai nạn,…), Người yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm (Người được bảo hiểm/Người thụ hưởng/Người thừa kế/Người được ủy quyền hợp pháp/bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em dưới 18 tuổi) phải gửi thông báo cho Bảo hiểm Bảo Việt bằng văn bản, hoặc tin nhắn, hoặc thư điện tử về sự kiện bảo hiểm xảy ra, hậu quả, diễn biến của rủi ro, nơi điều trị của Người được bảo hiểm.
- Thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm là 01 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm. Thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng, hoặc trở ngại khách quan không tính vào thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
- Trường hợp Người được bảo hiểm hoặc Người thụ hưởng chứng minh được rằng không biết thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm thì thời hạn quy định trên được tính từ ngày Người được bảo hiểm hoặc Người thụ hưởng biết việc xảy ra sự kiện bảo hiểm đó.
- Quá các thời hạn nêu trên, mọi yêu cầu trả tiền bảo hiểm liên quan đều không có giá trị, Bảo hiểm Bảo Việt không phải chịu trách nhiệm bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho Người được bảo hiểm, Người thụ hưởng trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc có trở ngại khách quan.
Điều 14. Hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm
- Người yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm phải lập hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm (bằng Tiếng Anh hoặc Tiếng Việt) và gửi tới Bảo hiểm Bảo Việt các giấy tờ sau: 1.1. Giấy yêu cầu trả tiền bảo hiểm theo mẫu của Bảo hiểm Bảo Việt; 1.2. Bản tường trình/Biên bản tai nạn (có xác nhận của cơ quan/tổ chức nơi Người được bảo hiểm công tác trong trường hợp tai nạn lao động hoặc tai nạn xảy ra tại nơi Người được bảo hiểm đang thực hiện công việc/học tập; hoặc xác nhận của chính quyền địa phương trừ trường hợp khác được Bảo hiểm Bảo Việt chấp thuận); hồ sơ giải quyết tai nạn như biên bản tai nạn, biên bản khám nghiệm hiện trường, thông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm hoặc các văn bản khác liên quan đến tai nạn có xác nhận của cơ quan công an (trường hợp có cơ quan công an tham gia hoặc trường hợp tử vong); Giấy phép lái xe theo quy định trong trường hợp tai nạn giao thông; 1.3. Các chứng từ y tế liên quan đến việc điều trị (trong trường hợp điều trị): Giấy ra viện, Giấy chứng nhận phẫu thuật, tóm tắt bệnh án hoặc báo cáo y tế, hóa đơn, phiếu điều trị, đơn thuốc, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, phim chụp,… Tất cả các chứng từ trên đều phải có chữ ký, đóng dấu của cơ sở y tế, hoặc có mã vạch bệnh nhân kèm đường dẫn, tài khoản và mật khẩu đăng nhập do cơ sở y tế cung cấp để tra cứu, trừ trường hợp khác được Bảo hiểm Bảo Việt chấp nhận; 1.4. Giấy chứng tử hoặc Trích lục khai tử (trong trường hợp tử vong); 1.5. Giấy tờ chứng minh nhân thân người nhận tiền; Giấy ủy quyền hợp pháp (trong trường hợp được ủy quyền nhận tiền); 1.6. Giấy tờ liên quan đến thừa kế (trong trường hợp Người được bảo hiểm tử vong và không chỉ định Người thụ hưởng); 1.7. Các giấy tờ khác có liên quan đến việc trả tiền bảo hiểm theo yêu cầu của Bảo hiểm Bảo Việt phù hợp với quy định của pháp luật.
- Các giấy tờ nêu tại Khoản 1 Điều này cung cấp cho Bảo hiểm Bảo Việt phải là bản gốc hoặc bản sao được chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (trừ một số trường hợp được Bảo hiểm Bảo Việt chấp nhận). Trong mọi trường hợp, Bảo hiểm Bảo Việt có quyền yêu cầu Người được bảo hiểm cung cấp bản gốc để kiểm tra.
Điều 15. Thời hạn giải quyết trả tiền bảo hiểm
- Bảo hiểm Bảo Việt có trách nhiệm xem xét, giải quyết và thanh toán tiền bảo hiểm trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm đầy đủ và hợp lệ.
- Trong trường hợp hồ sơ bồi thường cần phải xác minh, thời gian để Bảo hiểm Bảo Việt xác minh hồ sơ tối đa 90 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm. Đối với các hồ sơ xác minh có liên quan đến công an, tòa án hoặc có tính chất đặc biệt phức tạp, Bảo hiểm Bảo Việt sẽ thông báo theo từng trường hợp cụ thể.
Điều 16. Giám định, xác minh rủi ro
- Trong một số trường hợp, Bảo hiểm Bảo Việt có quyền yêu cầu kiểm tra y tế đối với Người được bảo hiểm tại các cơ sở y tế do Bảo hiểm Bảo Việt chỉ định trước khi nhận bảo hiểm và/hoặc trong quá trình giải quyết chi trả tiền bảo hiểm, hoặc có quyền xác minh các thông tin có liên quan đến việc giải quyết chi trả tiền bảo hiểm. Ngoài ra, Bảo hiểm Bảo Việt có thể yêu cầu tiến hành khám nghiệm tử thi trong trường hợp Người được bảo hiểm tử vong có dấu hiệu nghi vấn hoặc không thống nhất được nguyên nhân tử vong, nếu việc này không vi phạm pháp luật hiện hành. Mọi chi phí phát sinh liên quan đến việc giám định, xác minh sẽ do Bảo hiểm Bảo Việt chi trả. Tuy nhiên, quá trình thẩm định rủi ro, giám định, xác minh (nếu có) sẽ không thay thế nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác và trung thực tất cả các thông tin theo yêu cầu của Bảo hiểm Bảo Việt quy định tại Điều 18, 19 của quy tắc này.
- Bảo hiểm Bảo Việt sẽ không nhận bảo hiểm hoặc dừng xem xét giải quyết quyền lợi bảo hiểm nếu Người được bảo hiểm, Người thụ hưởng hoặc Người thừa kế hợp pháp của họ không thực hiện các yêu cầu trên, trừ khi Người được bảo hiểm, Người thụ hưởng hoặc Người thừa kế hợp pháp có lý do chính đáng và được pháp luật cho phép.
CHƯƠNG VIII. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN
Điều 17. Quyền và nghĩa vụ của Bảo hiểm Bảo Việt
- Quyền của Bảo hiểm Bảo Việt 1.1. Thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm; 1.2. Yêu cầu Bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến việc giao kết và thực hiện Hợp đồng bảo hiểm; 1.3. Hủy bỏ Hợp đồng bảo hiểm hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật; 1.4. Từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm; 1.5. Yêu cầu Bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp để phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật có liên quan; 1.6. Các quyền khác theo quy định của pháp luật và/hoặc quy định tại Quy tắc bảo hiểm/Hợp đồng bảo hiểm (nếu có).
- Nghĩa vụ của Bảo hiểm Bảo Việt 2.1. Cung cấp cho Bên mua bảo hiểm bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm; 2.2. Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho Bên mua bảo hiểm về quyền, lợi ích bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của Bên mua bảo hiểm khi giao kết Hợp đồng bảo hiểm; 2.3. Cung cấp cho Bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết Hợp đồng bảo hiểm theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm; 2.4. Cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm cho Bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan; 2.5. Bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm; 2.6. Giải thích bằng văn bản lý do từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm; 2.7. Lưu trữ hồ sơ Hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật; 2.8. Bảo mật thông tin do Bên mua bảo hiểm, Người được bảo hiểm cung cấp, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự đồng ý của Bên mua bảo hiểm, Người được bảo hiểm; 2.9. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và/hoặc quy định tại Quy tắc bảo hiểm/Hợp đồng bảo hiểm (nếu có).
Điều 18. Quyền và nghĩa vụ của Bên mua bảo hiểm
- Quyền của Bên mua bảo hiểm 1.1. Lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm để giao kết Hợp đồng bảo hiểm; 1.2. Yêu cầu Bảo hiểm Bảo Việt cung cấp bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm và giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm; 1.3. Yêu cầu Bảo hiểm Bảo Việt cung cấp bằng chứng giao kết Hợp đồng theo quy định của luật kinh doanh bảo hiểm; 1.4. Yêu cầu Bảo hiểm Bảo Việt cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan; 1.5. Hủy bỏ Hợp đồng bảo hiểm hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật; 1.6. Yêu cầu Bảo hiểm Bảo Việt bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện được bảo hiểm; 1.7. Chuyển giao Hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm hoặc theo quy định của pháp luật; 1.8. Các quyền khác theo quy định của pháp luật và/hoặc quy định tại Quy tắc bảo hiểm/Hợp đồng bảo hiểm (nếu có).
- Nghĩa vụ của Bên mua bảo hiểm 2.1. Kê khai đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của Bảo hiểm Bảo Việt; 2.2. Đọc, hiểu rõ điều kiện, điều khoản bảo hiểm, các trường hợp loại trừ bảo hiểm, quyền, nghĩa vụ của Bên mua bảo hiểm khi giao kết Hợp đồng bảo hiểm, nội dung khác của Hợp đồng bảo hiểm; 2.3. Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn theo thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm; 2.4. Thông báo cho Bảo hiểm Bảo Việt các trường hợp có thể làm tăng rủi ro hoặc giảm rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của Bảo hiểm Bảo Việt trong quá trình thực hiện Hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm; 2.5. Thông báo cho Bảo hiểm Bảo Việt về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong Hợp đồng bảo hiểm; phối hợp với Bảo hiểm Bảo Việt trong giám định xác minh rủi ro, tổn thất; 2.6. Áp dụng các biện pháp để phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định khác của pháp luật có liên quan; 2.7. Khi giao kết Hợp đồng bảo hiểm, trường hợp Bên mua bảo hiểm lựa chọn tham gia quyền lợi bảo hiểm tử vong cho người khác, Bên mua bảo hiểm có trách nhiệm về việc nhận được sự đồng ý bằng văn bản của Người được bảo hiểm, hoặc của cha mẹ/người giám hộ hợp pháp của Người được bảo hiểm (đối với trường hợp Người được bảo hiểm dưới 18 tuổi) và việc giao kết hợp đồng cho quyền lợi tử vong của người đó; 2.8. Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và/hoặc quy định tại Quy tắc bảo hiểm/Hợp đồng bảo hiểm (nếu có).
CHƯƠNG IX. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC
Điều 19. Nghĩa vụ khai báo trung thực
- Bên mua bảo hiểm và/hoặc Người được bảo hiểm phải kê khai đầy đủ và trung thực các thông tin có liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của Bảo hiểm Bảo Việt và chịu trách nhiệm về mọi thông tin được cung cấp. Việc kiểm tra y tế của Người được bảo hiểm (nếu có) theo yêu cầu của Bảo hiểm Bảo Việt sẽ không thay thế cho nghĩa vụ này.
- Trường hợp Bên mua bảo hiểm và/hoặc Người được bảo hiểm vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin được quy định ở trên thì Bảo hiểm Bảo Việt có quyền giảm một phần hoặc toàn bộ số tiền bồi thường, hoặc hủy bỏ Hợp đồng bảo hiểm. Trong trường hợp hủy bỏ hợp đồng, Bảo hiểm Bảo Việt không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và phải hoàn lại 70% phí bảo hiểm đã đóng cho Bên mua bảo hiểm. Trường hợp Bảo hiểm Bảo Việt đã bồi thường, trả tiền bảo hiểm cho Người được bảo hiểm/Người thụ hưởng (nếu có), Bên mua bảo hiểm phải hoàn trả lại cho Bảo hiểm Bảo Việt toàn bộ tiền bồi thường, tiền bảo hiểm mà Người được bảo hiểm, Người thụ hưởng đã nhận trước đó (nếu có). Bảo hiểm Bảo Việt có quyền khấu trừ khoản phí bảo hiểm mà Bảo hiểm Bảo Việt có nghĩa vụ hoàn lại cho Bên mua bảo hiểm. Theo đó, vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin được hiểu là việc Bên mua bảo hiểm và/hoặc Người được bảo hiểm cung cấp, kê khai không chính xác, không trung thực các thông tin trên Giấy yêu cầu bảo hiểm hoặc tham gia bảo hiểm không đúng đối tượng quy định tại Điều 3 của Quy tắc bảo hiểm này.
Điều 20. Điều khoản tái tục bảo hiểm
- Hợp đồng bảo hiểm phải được thu xếp tái tục vào ngày hoặc trước ngày kết thúc bảo hiểm của Hợp đồng bảo hiểm hiện tại. Các nội dung kê khai trong Giấy yêu cầu bảo hiểm/Yêu cầu bảo hiểm tại thời điểm tham gia bảo hiểm Năm hợp đồng đầu tiên và kê khai bổ sung trong quá trình thực hiện Hợp đồng bảo hiểm hiện tại là cơ sở để xem xét chấp nhận tái tục.
- Tại thời điểm thu xếp tái tục, căn cứ tỷ lệ bồi thường, Bảo hiểm Bảo Việt có quyền điều chỉnh quyền lợi, các điều kiện, điều khoản, phí bảo hiểm cho phù hợp và sẽ thông báo tới Bên mua bảo hiểm. Bên mua bảo hiểm có thể lựa chọn tiếp tục tái tục hoặc từ chối tái tục Hợp đồng bảo hiểm. Bảo hiểm Bảo Việt có quyền chấp nhận tái tục hoặc từ chối yêu cầu tái tục của Bên mua bảo hiểm. Phí bảo hiểm của Hợp đồng tái tục phải đảm bảo được thanh toán đúng hạn theo quy định của Hợp đồng tái tục.
- Trường hợp Hợp đồng bảo hiểm không được tái tục, tất cả các quyền lợi bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm bắt đầu sẽ chấm dứt hiệu lực vào thời điểm kết thúc bảo hiểm hoặc vào thời điểm chấm dứt hiệu lực bảo hiểm tùy theo thời điểm nào đến trước bao gồm cả những rủi ro phát sinh trong thời hạn bảo hiểm nhưng hậu quả xảy ra ngoài thời hạn bảo hiểm (trừ trường hợp tử vong do tai nạn).
Điều 21. Chấm dứt Hợp đồng bảo hiểm
- Hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt hiệu lực đối với Người được bảo hiểm trong các trường hợp sau: 1.1. Khi trong thời gian thực hiện hợp đồng, Người được bảo hiểm bị tử vong ngoài phạm vi bảo hiểm: Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt kể từ thời điểm Người được bảo hiểm tử vong và Bảo hiểm Bảo Việt sẽ không hoàn trả phí bảo hiểm. 1.2. Khi Bên mua bảo hiểm, Người được bảo hiểm, Người thụ hưởng, Người thừa kế, Người được ủy quyền hợp pháp hoặc Người đại diện theo pháp luật của Người được bảo hiểm có bất kỳ yêu cầu trả tiền bảo hiểm nào có sự gian lận, trục lợi bảo hiểm dựa trên cơ sở các chứng từ, tài liệu cung cấp cho Bảo hiểm Bảo Việt hoặc các chứng từ, tài liệu mà Bảo hiểm Bảo Việt thu thập, xác minh được. Hợp đồng bảo hiểm sẽ chấm dứt và phí bảo hiểm sẽ không được hoàn lại. 1.3. Bảo hiểm Bảo Việt có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện Hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn thỏa thuận hoặc sau thời gian gia hạn đóng phí.
- Ngoài các trường hợp nêu trên, khi một trong hai bên muốn chấm dứt Hợp đồng bảo hiểm: Bên muốn chấm dứt Hợp đồng phải thông báo bằng văn bản cho bên kia biết trước 30 ngày kể từ ngày định chấm dứt Hợp đồng. 2.1. Nếu Bên mua bảo hiểm yêu cầu chấm dứt hiệu lực bảo hiểm của một hoặc một số người hoặc chấm dứt toàn bộ Hợp đồng bảo hiểm, Bảo hiểm Bảo Việt sẽ hoàn trả 70% phí bảo hiểm cho thời gian còn lại đã đóng phí của những người tương ứng, với điều kiện trong thời gian trước đó của Hợp đồng, Bên mua bảo hiểm chưa có yêu cầu trả tiền bảo hiểm nào được Bảo hiểm Bảo Việt chấp nhận chi trả. 2.2. Nếu Bảo hiểm Bảo Việt yêu cầu chấm dứt Hợp đồng bảo hiểm, Bảo hiểm Bảo Việt sẽ hoàn lại 100% phí bảo hiểm của thời gian còn lại đã đóng phí.
- Các trường hợp chấm dứt Hợp đồng bảo hiểm khác theo quy định tại Quy tắc bảo hiểm, Hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật. Bảo hiểm Bảo Việt không chịu trách nhiệm bồi thường đối với các rủi ro, thiệt hại xảy ra sau khi Hợp đồng bảo hiểm/Giấy chứng nhận bảo hiểm bị chấm dứt.
Điều 22. Khôi phục hiệu lực hợp đồng Trường hợp Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực do Bên mua bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm hoặc không đóng đủ phí bảo hiểm theo thời hạn đã thỏa thuận, Bên mua bảo hiểm mong muốn Bảo hiểm Bảo Việt khôi phục hiệu lực Hợp đồng bảo hiểm thì việc khôi phục được áp dụng như sau:
- Hồ sơ: Bên mua bảo hiểm phải gửi cho Bảo hiểm Bảo Việt văn bản yêu cầu khôi phục hiệu lực hợp đồng kèm bằng chứng chứng minh đã thanh toán đầy đủ khoản phí bảo hiểm còn nợ Bảo hiểm Bảo Việt (nếu có) liên quan đến Hợp đồng bảo hiểm đã chấm dứt hiệu lực.
- Điều kiện và thời gian: Bảo hiểm Bảo Việt chỉ xem xét khôi phục hiệu lực hợp đồng trong trường hợp Bảo hiểm Bảo Việt nhận được văn bản yêu cầu khôi phục hiệu lực hợp đồng của Bên mua bảo hiểm trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực (hoặc thời hạn khác được quy định tại Hợp đồng bảo hiểm). Trong mọi trường hợp, Bảo hiểm Bảo Việt không chịu trách nhiệm bồi thường cho mọi rủi ro (và hậu quả liên quan của những rủi ro này) phát sinh đối với Người được bảo hiểm kể từ thời điểm hết hạn của thời hạn thanh toán phí bảo hiểm cho đến trước thời điểm hiệu lực của Hợp đồng bảo hiểm được khôi phục.
- Thời điểm khôi phục: Bảo hiểm Bảo Việt sẽ thông báo bằng văn bản cho Bên mua bảo hiểm về việc khôi phục hiệu lực bảo hiểm. Hợp đồng bảo hiểm sẽ tiếp tục có hiệu lực kể từ thời điểm ghi trên văn bản thông báo của Bảo hiểm Bảo Việt.
Điều 23. Bảo vệ và xử lý dữ liệu cá nhân Khi tham gia các quyền lợi bảo hiểm theo Quy tắc bảo hiểm này, bằng việc xác nhận đồng ý/ký vào Giấy yêu cầu bảo hiểm và/hoặc Hợp đồng bảo hiểm và/hoặc đóng phí bảo hiểm, Bên mua bảo hiểm và Người được bảo hiểm:
- Đồng ý và nhận tài liệu “Điều khoản và điều kiện chung về bảo vệ và xử lý dữ liệu cá nhân” do Bảo hiểm Bảo Việt cung cấp/ban giao dưới hình thức tự chủ động tiếp cận/đọc/tải xuống tài liệu này trên trang thông tin điện tử chính thức của Bảo hiểm Bảo Việt; và
- Tự nguyện, biết rõ và đồng ý với danh mục các loại dữ liệu cá nhân được xử lý, mục đích xử lý dữ liệu cá nhân, quyền, nghĩa vụ của chủ thể dữ liệu đã được liệt kê cụ thể tại “Điều khoản và điều kiện chung về bảo vệ và xử lý dữ liệu cá nhân” của Bảo hiểm Bảo Việt; và
- Đồng ý để Bảo hiểm Bảo Việt tiếp cận, thu thập (trực tiếp thu thập; thuê, sử dụng bất kỳ bên thứ ba nào do Bảo hiểm Bảo Việt chủ động quyết định mà không phải thông báo cho Bên mua bảo hiểm, Người được bảo hiểm để thu thập; hoặc cách thức thu thập khác phù hợp với quy định pháp luật), kiểm soát, xử lý (trực tiếp xử lý; thuê, sử dụng bất kỳ bên thứ ba nào do Bảo hiểm Bảo Việt chủ động quyết định mà không phải thông báo cho Bên mua bảo hiểm, Người được bảo hiểm để xử lý dữ liệu; hoặc cách thức xử lý dữ liệu khác phù hợp với quy định pháp luật) và lưu trữ dữ liệu cá nhân theo nội dung tại “Điều khoản và điều kiện chung về bảo vệ và xử lý dữ liệu cá nhân” và với các mục đích xử lý dữ liệu cá nhân đã được liệt kê tại “Điều khoản và điều kiện chung về bảo vệ và xử lý dữ liệu cá nhân” trên trang thông tin điện tử chính thức của Bảo hiểm Bảo Việt.
Điều 24. Ngôn ngữ Tất cả các văn bản được Bảo hiểm Bảo Việt dịch sang ngôn ngữ khác ngoài Tiếng Việt chỉ dùng để tham khảo. Trong trường hợp có tranh chấp hoặc sai sót trong diễn đạt hay dịch thuật, bản Tiếng Việt sẽ được ưu tiên áp dụng.
Điều 25. Giải quyết tranh chấp Quy tắc bảo hiểm này chịu sự điều chỉnh của Pháp luật Việt Nam. Mọi tranh chấp có liên quan đến Quy tắc bảo hiểm này nếu các bên không giải quyết được bằng thương lượng, một trong hai bên có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền ở Việt Nam theo quy định pháp luật hiện hành (mọi chi phí liên quan đến án phí sẽ do tòa án quyết định). Thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật.
BẢNG QUYỀN LỢI BẢO HIỂM SỨC KHỎE BẢO AN GIA ĐÌNH VIỆT NEW (Ban hành kèm theo Quyết định số 5988/QĐ-BHBV ngày 26/06/2025 của Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt)
ĐVT: VND
STT | QUYỀN LỢI BẢO HIỂM | CHƯƠNG TRÌNH I | CHƯƠNG TRÌNH II | CHƯƠNG TRÌNH III |
---|---|---|---|---|
I | ĐIỀU KIỆN BẢO HIỂM CHÍNH | |||
1. | Điều kiện bảo hiểm A: Tử vong không phải do nguyên nhân tai nạn | 20.000.000 | 30.0 |
BÀI VIẾT LIÊN QUAN